Tín dụng ngân hàng cho các cá nhân đã vô cùng phát triển trong 50 năm qua trên thế giới, khi người tiêu dùng đã quen với việc có thẻ tín dụng.Đây là một hình thức mang bản chất chung của quan hệ tín dụng, đó là quan hệ vay mượn có hoàn trả cả vốn và lãi sau một thời gian nhất định. Vậy tín dụng là gì ? Hãy cùng LADIGI.VN tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé.
Tín dụng là gì?
Tín dụng là mối quan hệ giữa người cho vay và người vay. Trong quan hệ này, người cho vay sẽ chuyển giao quyền sử dụng tiền cho người đi vay trong một thời gian nhất định. Người đi vay có nghĩa vụ trả số tiền đã vay khi đến hạn trả nợ. Các điều khoản đi kèm với khoản tiền vay có thể là lãi suất và một số điều khoản khác đi kèm.
Tín dụng ngân hàng là quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và cá nhân hoặc tổ chức đi vay. Hai bên được ràng buộc với nhau bởi hợp đồng tín dụng do ngân hàng đưa ra và người đi vay chấp thuận. Ngân hàng có thể cho khách hàng vay vốn tín chấp hoặc thế chấp với một mức lãi suất nhất định.

Ngày nay, ngân hàng còn có thể cho vay theo hình thức phát hành thẻ tín dụng. Khách hàng sử dụng thẻ để chi tiêu trước, trả tiền sau cũng là đang vay vốn. Bạn có trách nhiệm thanh toán dư nợ tín dụng khi đến hạn thanh toán.
Ngoài ra, ngân hàng cũng đóng vai trò là người đi vay khi huy động vốn từ nguồn tiền tiết kiệm của người dân.
Các khái niệm liên quan đến tín dụng
Khi tham gia các hoạt động tín dụng và nhất là tín dụng ngân hàng, bạn cần quan tâm đến một số khái niệm sau
Lãi suất
Lãi suất là tỷ lệ phần trăm nhất định sinh ra từ giao dịch cho vay giữa các bên. Số tiền này được gọi là tiền lãi mà người vay tiền cần phải trả thêm cho người cho vay. Cụ thể, lãi suất sẽ được tính theo tỷ lệ phần trăm nhân với số tiền gốc theo một thời gian cụ thể được quy ước giữa 2 bên (thường được tính theo tháng hoặc theo năm).
Hợp đồng tín dụng
Hợp đồng tín dụng là văn bản thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng (bên cho vay) với khách hàng (bên vay) nhằm xác lập quyền và nghĩa vụ nhất định giữa các bên theo quy định của pháp luật. Theo đó bên cho vay chuyển giao một khoản tiền tệ cho bên vay sử dụng một khoản tiền để sử dụng vào mục đích nào đó.
Hợp đồng tín dụng phải có nội dung về điều kiện vay, mục đích sử dụng vốn vay, phương thức cho vay, số vốn vay, lãi suất, thời hạn cho vay, hình thức bảo đảm, giá trị tài sản bảo đảm, phương thức trả nợ và những cam kết khác được các bên thỏa thuận.
Hạn mức tín dụng
Hạn mức tín dụng là giới hạn mức cho vay tối đa trong hoạt động của tổ chức tín dụng. Hạn mức tín dụng thể hiện số dư nợ vay hay là số dư nợ tối đa vào một thời điểm nhất định, thường là ngày cuối quý, cuối năm được quy định trong kế hoạch tín dụng của ngân hàng.
Phân loại tín dụng
Căn cứ vào thời hạn tín dụng
Căn cứ vào thời hạn tín dụng được chia thàn 2 loại :
- Tín dụng ngắn hạn
Là loại tín dụng có thời hạn không quá 12 tháng, thường được dùng để cho vay bổ sung vốn lưu động của các doanh nghiệp và nhu cầu thanh toán cho sinh hoạt cá nhân.
- Tín dụng trung hạn
Là loại tín dụng có thời hạn trên 12 tháng đến 60 tháng, dùng để cho vay vốn mua sắm tài sản cố định, cải tiến và đổi mới kĩ thuật, mở rộng và xây dựng các công trình qui mô nhỏ của các doanh nghiệp và cho vay xây dựng nhà ở hoặc mua sắm hàng tiêu dùng có giá trị lớn của cá nhân.
- Tín dụng dài hạn
Là loại tín dụng có thời hạn trên 60 tháng, được sử dụng để cho vay dự án đầu tư xây dựng mới, cải tiến và mở rộng sản xuất có qui mô lớn.

Căn cứ vào đối tượng tín dụng
Theo tiêu thức này, tín dụng được chia làm hai loại:
- Tín dụng vốn lưu động
Là loại tín dụng được cấp nhằm hình thành vốn lưu động cho các doanh nghiệp hoặc các chủ thể kinh tế khác.
- Tín dụng vốn cố định
Là loại tín dụng được cấp nhằm hình thành vốn cố định của các doanh nghiệp hoặc các chủ thể kinh tế khác. Loại tín dụng này được thực hiện dưới hình thức cho vay trung và dài hạn.
Căn cứ vào mục đích sử dụng vốn tín dụng
- Theo tiêu thức này, tín dụng được chia làm hai loại:
- Tín dụng sản xuất và lưu thông hàng hóa
- Là loại tín dụng cấp cho các doanh nghiệp và chủ thể kinh tế khác để tiến hành sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
- Tín dụng tiêu dùng
- Là loại tín dụng cấp cho các cá nhân để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng
Căn cứ vào chủ thể tín dụng
Dựa vào chủ thể trong quan hệ tín dụng được chia thành hình thức tín dụng sau:
- Tín dụng thương mại
- Là quan hệ tín dụng giữa các doanh nghiệp được thực hiện dưới hình thức mua bán chịu hàng hóa hoặc ứng tiền trước khi nhận hàng hóa.
- Tín dụng ngân hàng
- Là quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức xã hội.
- Tín dụng nhà nước
- Là hình thức tín dụng thể hiện mối quan hệ giữa Nhà nước với các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức xã hội. Nhà nước vừa là người đi vay, vừa là người cho vay.
Căn cứ vào tính chất bảo đảm tiền vay
- Tín dụng đảm bảo bằng tài sản
- Là loại tín dụng được đảm bảo bằng các loại tài sản của khách hàng, bên bảo lãnh hoặc hình thành từ vốn vay.
- Tín dụng đảm bảo không bằng tài sản
- Là loại tín dụng được đảm bảo dưới hình thức tín chấp, cho vay theo chỉ định của Chính phủ và hộ nông dân vay vốn được bảo lãnh của các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương.
Căn cứ vào lãnh thổ hoạt động tín dụng
Dựa vào tiêu thức này tín dụng được chia thành hai loại:
- Tín dụng nội địa
- Là quan hệ tín dụng phát sinh trong phạm vi lãnh thổ quốc gia.
- Tín dụng quốc tế
- Là quan hệ tín dụng phát sinh giữa các quốc gia với nhau hoặc giữa một quốc gia với một tổ chức tài chính – tín dụng quốc tế.
Lợi ích của tín dụng là gì ?
Lợi ích mà tín dụng mang lại khá lớn cho cả người vay và người cho vay. Có ảnh hưởng và tác động tích cực đến nền kinh tế của nước nhà. Với những khoản tín dụng được chấp nhận đã góp phần đáp ứng nhu cầu về vốn của cá nhân, tổ chức… từ đó giải quyết khá nhiều khâu quan trọng như đầu tư, mua sắm hoặc phát triển kinh tế từ trong đến ngoài nước.
Đặc biệt là thế hệ trẻ và người thu nhập thấp khi có nhu cầu chi tiêu nhưng lại không đủ khả năng thanh toán. Tín dụng ngân hàng giúp họ có được một cuộc sống ổn định ngay từ khi còn trẻ. Ngân hàng cung cấp các dịch vụ như cho vay mua nhà, cho vay mua xe, cho vay tiêu dùng. Khi vay vốn, tạo cho họ động lực to lớn để làm việc, tiết kiệm, nuôi dưỡng con cái.
Tín dụng ngân hàng
Tín dụng ngân hàng là hoạt động cho vay của các ngân hàng. Hình thức này hiện nay vô cùng phổ biến, vì ngân hàng là tổ chức uy tín nhất để khách hàng vay vốn khi có nhu cầu.
Một số ưu điểm nổi bật so với các hình thức tín dụng khác như sau:
- Tín dụng ngân hàng được thực hiện bằng hình thức cho vay tiền tệ, loại hình phổ biến, linh hoạt và đáp ứng mọi đối tượng trong nền kinh tế quốc dân.
- Ngân hàng cho vay chủ yếu bằng vốn huy động từ tiền gửi tiết kiệm chứ không phải hoàn toàn là vốn thuộc sở hữu của chính mình như tín dụng nặng lãi hay tín dụng thương mại.
- Có phạm vi lớn vì nguồn vốn bằng tiền là thích hợp với mọi đối tượng trong nền kinh tế, do đó nó có thể cho nhiều đối tượng vay.
- Thời hạn cho vay phong phú, có thể cho vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn do ngân hàng có thể điều chỉnh giữa các nguồn vốn với nhau để đáp ứng nhu cầu về thời hạn vay.
Bên cạnh đó thì tín dụng ngân hàng còn có thể thỏa mãn một cách tối đa nhu cầu về vốn của các tác nhân và thể nhân khác trong nền kinh tế vì nó có thể huy động nguồn vốn bằng tiền nhàn rỗi trong xã hội dưới nhiều hình thức và khối lượng lớn.
Các hình thức tín dụng ngân hàng
Các ngân hàng hiện nay cung cấp nhiều dịch vụ tín dụng cho khách hàng như: Cho vay tín chấp, cho vay thế chấp và thẻ tín dụng.
Cho vay thế chấp
Cho vay thế chấp là hình thức cho vay vốn của ngân hàng, yêu cầu khách hàng phải có tài sản đảm bảo. Dựa vào giá trị tài sản đảm bảo và khả năng thanh toán của bạn, ngân hàng sẽ xem xét và phê duyệt khoản vay. Vay thế chấp thường là những khoản vay có giá trị lớn, dài hạn.
Cho vay tín chấp
Vay tín chấp là hình thức vay vốn mà khách hàng không cần thế chấp tài sản. Ngân hàng sẽ cho bạn vay vốn dựa vào uy tín và thu nhập của bạn. Vay thế chấp thường không được vay vốn trong thời gian quá dài. Chủ yếu là cho mục đích vay vốn tiêu dùng.
Thẻ tín dụng
Thẻ tín dụng loại hình vay vốn tạm thời của ngân hàng mà không cần trả lãi nếu trả đúng hạn. Thẻ tín dụng cho phép chủ thẻ vay tiền từ ngân hàng chi tiêu trước, trả tiền sau. Chỉ cần chủ thẻ tín dụng trả tiền trong khoảng thời gian quy định (thông thường là 45 ngày) sẽ không bị tính thêm các khoản phí nào cho thẻ.
Các hình thức tín dụng này nếu tận dụng được ưu đãi từ ngân hàng thì mang đến rất nhiều lợi ích. Ngoài ra, để thu hút khách hàng, các ngân hàng cũng đua nhau trong cuộc đua lãi suất. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, vì không hiểu rõ ý nghĩa của tín dụng là gì nên dễ dàng bị kẻ xấu trục lợi từ đó rơi vào bẫy tín dụng. Đặc biệt là những tín dụng đen gây nên hiệu quả vô cùng nghiêm trọng ảnh hưởng đến tài sản cũng như cá nhân người dùng.
Nghề tín dụng là gì ? Những chuyên viên tín dụng có những áp lực nào ?
Người làm tín dụng (thực hiện trực tiếp nghiệp vụ tín dụng) là cầu nối giữa Ngân hàng (tổ chức có vốn) và Khách hàng (cá nhân/tổ chức/doanh nghiệp có nhu cầu vốn).
Trong mỗi tổ chức tín dụng Người làm tín dụng được gọi bằng những cái tên khác nhau tùy theo cấp độ: Nhân viên tín dụng/Nhân viên Quan hệ khách hàng, Chuyên viên tín dụng/ Chuyên viên quan hệ khách hàng, Chuyên viên tín dụng bậc 1,2,3 .. chuyên viên tín dụng cao cấp …. Sau đây xin gọi chung là Chuyên viên tín dụng.
Cũng giống như Tín dụng, Chuyên viên tín dụng được chia là 02 mảng :
- Chuyên viên tín dụng Cá nhân : Phụ trách mảng tín dụng cá nhân.
- Chuyên viên tín dụng Doanh nghiệp : Phụ trách mảng doanh nghiệp.
Hỗ trợ cho Chuyên viên tín dụng có:
- Nhân viên/Chuyên viên kinh doanh – phát triển sản phẩm : Tìm kiếm khách hàng (một phần) cho Chuyên viên tín dụng.
- Nhân viên Hỗ trợ tín dụng (hay còn gọi là Quản lý tín dụng) : Lưu trữ hồ sơ, hỗ trợ khách hàng sau vay, phối hợp kiểm tra khách hàng sau vay, hạch toán thu gốc, lãi .. món vay.
Ngoài ra, tất cả các phòng ban trong một tổ chức tín dụng đều có quan hệ chặt chẽ với nhau nên tất yếu cũng sẽ ảnh hưởng đến Phòng tín dụng và Chuyên viên tín dụng bằng mối quan hệ phối hợp.

Áp lực của chuyên viên tín dụng là gì ?
Sở dĩ chúng tôi nêu áp lực trước để các bạn thấy rằng đây là một nghề không hề “như mơ” ;
- Áp lực về thời gian : Một chuyên viên tín dụng thực thụ phải là một người có ý thức về thời gian tốt, không chỉ trong công việc nội bộ mà còn với cả khách hàng.
- Áp lực về doanh số : Hầu hết các ngân hàng đều sử dụng chỉ tiêu về doanh số để làm động lực thúc đẩy quá trình làm việc của nhân viên. Doanh số ở đây không chỉ đơn thuần là doanh số cho vay mà còn có thể là các loại doanh số khác như: doanh số huy động, doanh số thu phí ….
- Áp lực về tính chính xác và trách nhiệm công việc : Mỗi một hành động của bạn đều ít nhiều ảnh hưởng đến hình ảnh của ngân hàng bạn đang làm việc, vì thế mọi hành động của bạn đều phải hết sức cân nhắc, không chỉ trong mà còn là ngoài cơ quan, ngoài giờ làm việc. Không chỉ thế, tín dụng là hoạt động kinh doanh trực tiếp trên Tiền (loại tài sản có khả năng thanh khoản tức thì J ) nên mọi sơ xuất của bạn đều có thể dẫn tới thiệt hại về kinh tế. Khi gây thiệt hại về kinh tế chính bạn sẽ phải là người đền bù.
Áp lực như vậy thì làm chuyên viên tín dụng là gì?
- Được làm việc tại môi trường tốt : Hầu hết các ngân hàng đều là những môi trường làm việc năng động, trẻ và khá tốt (tuy nhiên mức độ giữa các ngân hàng là khác nhau). Tính minh bạch cao, con người thân thiện hòa đồng.
- Được giao tiếp rộng : Nếu bạn là chuyên viên tín dụng thì khả năng giao tiếp của bạn sẽ được cải thiện đáng kể sau năm làm việc đầu tiên. Mối quan hệ của bạn sẽ được mở rộng, bạn sẽ có cảm giác làm chủ cuộc sống tốt hơn và trưởng thành nhanh hơn rất nhiều.
- Được lương + thưởng tốt : Hầu hết các ngân hàng đều có lương và thưởng khá tốt so với doanh nghiệp. Tuy nhiên cũng lưu ý rằng, nếu bạn có ý định làm giàu thì sẽ không dễ nếu chỉ làm chuyên viên tín dụng.
- Cơ hội thăng tiến : Cơ hội thăng tiến đặc biệt tăng cao khi các ngân hàng luôn luân chuyển nhân sự liên tục. 1 năm làm ở ngân hàng B chỉ là chuyên viên nhưng khi sang ngân hàng A bạn có thể được thăng chức tổ trưởng …..
- Khả năng tư duy : Đây là cái được cuối cùng và quan trọng nhất, nó ảnh hưởng đến cả cuộc đời của bạn. Nếu bạn là người có óc sáng tạo, nhanh nhạy, tư duy tốt thì đây là môi trường lý tưởng cho bạn rèn luyện điều đó.
Những phẩm chất, kỹ năng của chuyên viên tín dụng là gì ?
- Trung thực : yếu tố quan trọng nhất, bạn phải trung thực. Mọi hành vi không trung thực đều có thể dẫn tới hậu quả khôn lường và sẽ ảnh hướng đến túi tiền của bạn.
- Nhanh nhẹn, khả năng tư duy, nắm bắt cơ hội tốt : Khả năng này sẽ giúp bạn nhanh chóng làm cho khách hàng hài lòng và đến với bạn nhiều hơn, cũng như tìm kiếm được nhiều khách hàng mới hơn.
- Có kiến thức chuyên môn về tín dụng và kiến thức kinh tế tổng hợp, có khả năng phân tích nhanh, tốt. Quyết đoán trong công việc.
- Ngoài ra, tùy thuộc vào đặc tính của các ngân hàng khác nhau mà cần phải có những phẩm chất, kỹ năng khác nhau
Qua bài viết dưới đây chắc chắn các bạn không còn thắc mắc Tín dụng là gì ? hay Chuyên viên tín dụng là gì nữa đúng không nào ? Mặc dù tín dụng được coi là một công việc khó khăn và đầy áp lực nhưng công việc này cho các bạn trẻ cơ hội được làm việc ở những môi trường tốt, chế độ đãi ngộ tốt, có cơ hội thăng tiến, cơ hội mở rộng quan hệ và rèn luyện bản thân. Đây là thử thách xứng đáng cho các bạn trẻ năng động, dám thử sức và không chịu sự nhàm chán.
100 lần tự tìm hiểu cũng không bằng 1 lần được tư vấn