Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Bước tới điều hướng
Bước tới tìm kiếm

Tống Lê Chân là một địa danh thuộc địa bàn 2 xã Minh Đức và Minh Tâm, đều thuộc huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước. Nơi đây từng được biết đến như một
căn cứ quân sự của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, nổi tiếng với sự kiện tiểu đoàn 92 Biệt động quân Việt Nam Cộng hòa cầm cự 510 ngày trong sự phong tỏa của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam từ ngày 10 tháng 5 năm 1972 và rút hầu như nguyên vẹn lực lượng khỏi căn cứ này vào ngày 11 tháng 4 năm 1974. Sự kiện này được phía Việt Nam Cộng hòa tuyên tuyền như một chiến tích nổi bật.

Nguồn gốc tên gọi[sửa | sửa mã nguồn]

Đây là vùng đất gần biên giới Việt Nam – Campuchia, vì vậy có rất nhiều người địa phương gốc Khmer. Họ gọi vùng này là Tonlé Tchombe. Tonlé tiếng Miên có nghĩa là nơi có nước. Nơi đây chính là nơi giao nguồn của hai nhánh sông nhỏ thượng nguồn của sông Sài Gòn, vì vậy có tên gọi như trên.

Ðặng Hưng Long, một thiếu tá Quân lực Việt Nam Cộng hòa là người đã phiên âm chữ Tonlé Tchombe thành tiếng Việt là Tống Lê Chân[1].

Theo những bô lão trong vùng thì tên gọi này đã có từ năm 1956, khi Tổng thống Ngô Đình Diệm thực hiện chính sách dân tộc chủ nghĩa, đã cho thay đổi và Việt hóa nhiều địa danh trên lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa, như Bù Đốp đổi thành Bố Đức, B’lao đổi thành Bảo Lộc…và Tonlé Tchombe đã trở thành Tống Lê Chân. Tuy nhiên, thông tin này chưa được kiểm chứng bởi bất kỳ tư liệu nào.

Tiền đồn quân sự trong chiến tranh[sửa | sửa mã nguồn]

Nguyên ủy, từ tháng 2 năm 1955, Thủ tướng Quốc gia Việt Nam đã cho đặt một tiền đồn quân sự tại đây nhằm phòng ngừa các nguy cơ chống chính phủ từ lực lượng vũ trang của giáo phái Cao Đài vốn đang đóng tại Tây Ninh. Vị trí này kiểm soát giao điểm của nguồn nước, đồng thời có thể kiểm soát một tuyến giao thông về Bình Long, một cửa ngõ vào thành phố Sài Gòn.

Cũng từ những vị trí tương tự, Quân lực VNCH đã tấn công tiêu diệt quân Cao Đài trong thời gian diễn ra chiến dịch Nguyễn Huệ. Thắng lợi của chiến dịch này đã đặt dấu kết thúc cho các lực lượng vũ trang thân Pháp, củng cố thế đứng chính trị của Ngô Đình Diệm. Bốn tháng sau đó, ông thực hiện việc phế truất Quốc trưởng Bảo Đại và trở thành Tổng thống, tuyên bố thành lập Việt Nam Cộng hòa.

Sau năm 1956, tiền đồn này hầu như không được sử dụng nữa. Từ năm 1961, bộ phận CIA tại Sài Gòn đã thực hiện chương trình CIDG (viết tắt từ Civilian Irregular Defense Group), hay còn gọi là chương trình Dân sự Chiến đấu, hay Xít-gi, nhằm xây dựng lực lượng chiến đấu đặc biệt nằm ngoài quân đội chính phủ Nam Việt Nam[2] Năm 1967, các cố vấn Hoa Kỳ đã xây dựng một trại huấn luyện đồng thời là căn cứ phòng thủ tại Tống Lê Chân. Chỉ huy trưởng đầu tiên là Thiếu tá Ðặng Hưng Long.

Căn cứ Tống Lê Chân sau khi được xây dựng trong địa bàn thuộc Vùng III Chiến thuật. Đây là một vị trí quân sự khá quan trọng, nằm trong vùng ranh giới của hai tỉnh Tây Ninh và Bình Long, cách An Lộc 15 km về hướng Tây Nam và mũi nhọn của khu Mỏ Vẹt 13 km về hướng Ðông Nam. Vùng Mỏ Vẹt, Lưỡi Câu thuộc Campuchia, là những bàn đạp xuất phát của Quân Giải phóng từ hướng Campuchia vào Tây Ninh. Dưới chân căn cứ là con đường 246, trục giao liên Nam – Bắc giữa căn cứ Trung ương Cục miền Nam với vùng kiểm soát Tam giác sắt của quân Giải phóng. Căn cứ còn nằm trong hệ thống căn cứ liên hoàn canh phòng hướng biên giới Việt Nam – Campuchia và từng là một trong những bàn đạp hành quân của quân Việt Nam Cộng hòa trong chiến dịch vượt biên giới năm 1972.

Tuy nhiên, khi chưa kịp an vị, ngày 7 tháng 8 năm 1967, các đơn vị thuộc Trung đoàn 165, Sư đoàn 7 Quân Giải phóng miền Nam đã thực hiện cuộc tập kích trại Tống Lê Chân. Tuy nhiên, lực lượng tấn công sớm bị lộ, và quân phòng thủ kịp thời tăng cường lực lượng và với sự hỗ trợ tối đa của các trận địa pháo cùng các cuộc không kích của Mỹ đã đánh bật lực lượng tấn công, gây cho họ tổn thất nặng nề với 152 xác chết tại chỗ và 2 tù binh… Trận đánh này ít được hai phía Việt Nam nhắc tới vì bên tấn công thất bại và tiền đồn khu biên giới này không thuộc VNCH quản lý mà là Mỹ…[cần dẫn nguồn]

510 ngày trong vòng phong tỏa[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 1970, thực hiện kế hoạch “Việt Nam hóa chiến tranh”, Hoa Kỳ đã bàn giao các đồn trại biên phòng cho Quân lực Việt Nam Cộng hòa quản lý. Cũng trong năm đó, Lực lượng Dân sự Chiến đấu được đổi tên thành Biệt động quân Biên phòng.

Trong chiến cuộc năm 1972, lực lượng Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam (QGP) mở chiến dịch Nguyễn Huệ tấn công vào Lộc Ninh, Chơn Thành và An Lộc. Sau khi chiếm được Lộc Ninh ngày 7 tháng 4 năm 1972, Sư đoàn 5 QGP hành quân tiến theo Quốc lộ 13 xuống phía Nam, uy hiếp mặt Bắc thị xã An Lộc. Sư đoàn 7 QGP xuất phát từ vùng biên giới Campuchia, đi vòng qua An Lộc, tiến xuống phong tỏa Quốc lộ 13 ở phía Nam An Lộc, tức là con đường bộ duy nhất tiếp tế cho thị xã này, đồng thời uy hiếp các căn cứ biên phòng, phối hợp với Đoàn C30B để cầm chân Sư đoàn 25 bộ binh Việt Nam Cộng hòa tại Tây Ninh, ngăn cản không cho tiếp viện An Lộc. Sư đoàn 9 QGP là lực lượng chủ lực tấn công An Lộc, cũng xuất phát từ vùng biên giới Campuchia, tiến xuống và tấn công An Lộc từ phía Tây. Các căn cứ tiền đồn biên phòng như Thiện Ngôn, Katum, Bổ Túc, Bù Gia Mập lần lượt bị bức rút trước áp lực của đối phương. Riêng căn cứ Tống Lê Chân còn lại bơ vơ giữa vùng kiểm soát của 4 sư đoàn đối phương sau khi Lộc Ninh bị chiếm giữ và thị xã An Lộc đã bị bao vây.

Về cơ bản chiến dịch, các chỉ huy QGP chủ trương phong tỏa, uy hiếp và bức rút các căn cứ biên phòng, vì vậy họ đã không dùng quân chủ lực để tấn công tiêu diệt. Tuy nhiên, căn cứ Tống Lê Chân không rút lui mà vẫn duy trì trạng thái phòng ngự với lực lượng tiểu đoàn 92 Biệt động quân Biên phòng, do Thiếu tá Lê Văn Ngôn [3] làm tiểu đoàn trưởng, với quân số khoảng 300 người.

Trại giam Tống Lê Chân[sửa | sửa mã nguồn]

Sau năm 1975, trại Tống Lê Chân được hoán cải làm trại tù cải tạo. Tháng 11 năm 2007, trại Tống Lê Chân được nhà nước Việt Nam trao tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng ba

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Tống Lê Chân, tiền đồn quá xa! – Trần Ðỗ Cẩm.
  2. ^ Đây là một chương trình bí mật, nhằm tuyển mộ và huấn luyện những chiến binh người dân tộc thiểu số địa phương, vừa có tác dụng phòng vệ tại địa phương, phòng ngừa sự thâm nhập của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam từ biên giới, đồng thời có thể hoạt động biệt kích trong những vùng bị đối phương kiểm soát. Trên thực tế, đây là một lực lượng quân sự bất hợp pháp với chính quyền Nam Việt Nam, do các sĩ quan Mỹ thuộc Liên đoàn 5 Lực lượng Ðặc biệt Hoa Kỳ (5th Special Forces Group) làm cố vấn chỉ huy trực tiếp. Các đơn vị biệt kích này hoạt động độc lập, hoặc đôi khi phối hợp với quân đội Việt Nam Cộng hòa, khá hiệu quả, gây nhiều khó khăn cho hoạt động của quân Cộng sản tại miền Nam.
  3. ^ Tháng 9 năm 1972, được thăng Trung tá.

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]

  • Tiểu đoàn 92 Biệt Động Quân
  • Tống Lê Chân, tiền đồn quá xa! Trần Ðỗ Cẩm
  • Bài Viết Về Tonle Tchombe Phan Nhật Nam
  • Trại Tống Lê Chân nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba


Tống Lê Chân là gì? Chi tiết về Tống Lê Chân mới nhất 2023 1

Lấy từ “https://vi.wikipedia.org/w/index.php?title=Tống_Lê_Chân&oldid=51879346”

Từ khóa: Tống Lê Chân, Tống Lê Chân, Tống Lê Chân

LADIGI – Công ty dịch vụ SEO Google giá rẻ, SEO từ khóa, SEO tổng thể cam kết lên Top Google uy tín chuyên nghiệp, an toàn, hiệu quả.

Nguồn: Wikipedia

latrongnhon