Bước tới điều hướng
Bước tới tìm kiếm
Trương Quốc Vinh
|
|||||||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
![]() Trương Quốc Vinh trong concert cá nhân World Tour 1997
|
|||||||||||
Tên bản ngữ | 張國榮 | ||||||||||
Phát âm | Cheung Kwok-wing[1] | ||||||||||
Sinh |
Trương Phát Tông 12 tháng 9 năm 1956 Cửu Long, ![]() |
||||||||||
Mất | 1 tháng 4 năm 2003 Trung Tây, ![]() |
(46 tuổi)||||||||||
Nguyên nhân mất | Nhảy lầu tự tử | ||||||||||
Nơi an nghỉ | Đồi Bảo Phúc, Sa Điền | ||||||||||
Tư cách công dân |
|
||||||||||
Trường lớp | Đại học Leeds | ||||||||||
Nghề nghiệp |
|
||||||||||
Năm hoạt động | 1977–2003 | ||||||||||
Sự nghiệp âm nhạc | |||||||||||
Nghệ danh | Ca ca (哥哥)[2][3][4] | ||||||||||
Dòng nhạc |
|
||||||||||
Nhạc cụ | Giọng hát | ||||||||||
Hãng đĩa |
|
||||||||||
Trương Quốc Vinh | |||||||||||
Phồn thể | 張國榮 | ||||||||||
Giản thể | 张国荣 | ||||||||||
|
|||||||||||
Trương Phát Tông | |||||||||||
Phồn thể | 張發宗 | ||||||||||
Giản thể | 张发宗 | ||||||||||
|
Trương Quốc Vinh (phồn thể: 張國榮; giản thể: 张国荣; 12 tháng 9 năm 1956 – 1 tháng 4 năm 2003), còn được biết đến với cái tên quốc tế Leslie Cheung, là nam diễn viên, ca sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng của Hồng Kông. Không chỉ sở hữu một sự nghiệp âm nhạc và điện ảnh thành công rực rỡ, Trương Quốc Vinh còn được biết đến như một trong những ngôi sao được yêu thích và có ảnh hưởng nhất tại châu Á, được xem như “Người đi tiên phong của làng nhạc Cantopop”[5][6].
Năm 2003, anh nhảy lầu tự sát tại khách sạn 24 tầng Mandarin Oriental ở Hong Kong, khi tuổi đời chỉ mới 46 tuổi. Người ta thấy một bức thư tuyệt mệnh của anh gửi lại, trong đó cho thấy rằng anh đã bị những áp lực tâm lý trong một thời gian dài dẫn đến tự sát. Với một sự nghiệp đang phát triển vượt trội, tin tức về cái chết của anh nhanh chóng làm chấn động đông đảo người hâm mộ trên toàn thế giới.
Năm 2005, anh được khán giả Hồng Kông bình chọn là Diễn viên được yêu thích nhất trong 100 năm lịch sử điện ảnh Trung Quốc[7]. Năm 2010, Trương Quốc Vinh là ngôi sao châu Á duy nhất có mặt trong top 5 “Global Music Icon” do CNN tổ chức bình chọn, anh đứng ở vị trí thứ ba, sau Michael Jackson và The Beatles[8].
Tiểu sử[sửa | sửa mã nguồn]
Trương Quốc Vinh sinh ngày 12 tháng 9 năm 1956 tại Cửu Long, Hồng Kông với tên khai sinh là Trương Phát Tông (張發宗), sau được cha mẹ đổi lại thành Trương Quốc Vinh. Anh là con út trong một gia đình trung lưu có mười người con, anh là người khách gia, cha anh là một thợ may nổi tiếng, đã từng may trang phục cho nhiều ngôi sao điện ảnh Mỹ nổi tiếng như đạo diễn Alfred Hitchcock, các tài tử William Holden và Cary Grant. Cha mẹ Trương Quốc Vinh ly dị khi anh còn khá nhỏ. Năm 13 tuổi, anh được gửi đi học ở Anh, tại Eccles Hall School, và phải đối mặt với nạn phân biệt chủng tộc tại đây. Anh từng làm phục vụ cho một nhà hàng của những người đồng hương, và đi hát vào mỗi cuối tuần. Đây là thời gian anh chọn tên tiếng Anh cho mình, Leslie. Theo Trương Quốc Vinh, anh chọn cái tên này vì: “Tôi rất thích bộ phim Cuốn theo chiều gió, cũng như diễn viên Leslie Howard. Cái tên đó phù hợp với cả hai giới, nó phi giới tính, nên tôi thích nó.”[9]
Trong một số cuộc phỏng vấn, Trương Quốc Vinh đã từng nói về thời thơ ấu không hạnh phúc của mình: “Tôi không có một thời thơ ấu tươi đẹp. Tranh chấp, cãi vã, và không được sống chung nhà; người chăm lo cho tôi là bà tôi.” “Khi còn nhỏ, điều làm tôi nghĩ đến nhiều nhất là bố mẹ không ở nhà với mình. Với một đứa trẻ, chẳng bao giờ nó có thể hiểu được tại sao bố mẹ mình lại luôn đi vắng. Đôi khi tôi không chịu nổi điều ấy.”[9]
Trương Quốc Vinh theo học tại Đại học Leeds, Anh Quốc, ngành Quản lý dệt may. Nhưng vào cuối năm thứ nhất, căn bệnh của cha anh khiến Trương Quốc Vinh phải bỏ học và trở về Hồng Kông.
Sự nghiệp[sửa | sửa mã nguồn]
Trương Quốc Vinh được xem như “Người đi tiên phong của làng nhạc Cantopop”, và sở hữu một sự nghiệp thành công rực rỡ trên cả hai lĩnh vực âm nhạc và điện ảnh[10]. Trong âm nhạc, anh được mệnh danh là “Elvis của Hồng Kông”[6], còn với điện ảnh, anh được coi là một diễn viên tài năng xuất chúng, người có thể đảm nhận nhiều loại vai khác nhau, đặc biệt với những vai diễn trong các bộ phim nghệ thuật.
Khởi nghiệp[sửa | sửa mã nguồn]
Năm 1977, Trương Quốc Vinh tham gia và giành giải nhì tại Cuộc thi Âm nhạc châu Á, tổ chức bởi Rediffusion Television Co. (RTV). Anh ký hợp đồng với RTV (hãng truyền hình sau này được đổi thành Asia Television Company – ATV) và bắt đầu bước vào làng giải trí Hồng Kông. Ngoài ra, Trương Quốc Vinh còn ký một hợp đồng âm nhạc với Polydor Records, phát hành 2 album Day Dreaming (1977) và Tình nhân tiễn (情人箭, 1979).
Những ngày đầu sự nghiệp của Trương Quốc Vinh hoàn toàn không thuận lợi. Anh từng có lần bị đuổi khỏi sân khấu, hai album đầu của anh cũng không được công chúng hoan nghênh. Kết thúc hợp đồng của mình, Trương Quốc Vinh rời khỏi Polydor Records. Bộ phim đầu tiên Trương Quốc Vinh tham gia, The Erotic Dream of the Red Chamber (紅樓春上春, 1978) là một phim khá “lộ liễu”, để lại một điểm xấu trong sự nghiệp của anh. Về sau Trương Quốc Vinh phát biểu, anh không biết đến tính “nhạy cảm” của bộ phim khi ký kết hợp đồng[11].
Trong thập niên 1970, 1980, Trương Quốc Vinh tham gia trong một số bộ phim truyền hình như The Young Concubine (我家的女人), Agency 24 (甜甜廿四味), Pairing (對對糊) và The Spirit Of The Sword (浣花洗劍錄). Những bộ phim này giúp anh trở thành một gương mặt quen thuộc của màn ảnh nhỏ tại Đông Nam Á.
Vươn lên đỉnh cao[sửa | sửa mã nguồn]
Năm 1982, Trương Quốc Vinh gia nhập Capital Artists khi kết thúc hợp đồng với RTV. Đây là lúc Trần Thục Phân – người vẫn theo Trương Quốc Vinh đến tận sau này – bắt đầu làm quản lý cho anh. Tại Capital Artists, Trương Quốc Vinh cũng gặp được Mai Diễm Phương – một thần tượng khác của Cantopop, và bắt đầu tình bạn thân thiết lâu năm của họ.
Năm 1983, Gió tiếp tục thổi (風繼續吹) trở thành bài hit đầu tiên của Trương Quốc Vinh. Và năm 1984, Monica lọt vào danh sách Top 10 bài hát được yêu thích nhất. Ca khúc sôi động này cũng giành được giải Top 10 ca khúc vàng tiếng Hoa của RTHK. Monica trở thành đại diện cho một thể loại nhạc mới của Hồng Kông vào giữa thập niên 1980. Người nghe từ đây bắt đầu mong mỏi Cantopop có thêm nhiều bài hát sôi động và mạnh mẽ, mang âm hướng nhạc dance như vậy. Những bài hát khác lọt vào Top 10 ca khúc vàng của Trương Quốc Vinh còn có Ngọn gió tự do (不羈的風, album Chung tình vì em (為你鍾情) 1985); Có ai đồng thanh (有誰共鳴, album Ái hoả (愛火), 1986) và Đương niên tình (當年情, ca khúc chủ đề cho bộ phim Anh hùng bản sắc, album Ái hoả (愛火), 1986). Ngoài ra, Có ai đồng thanh còn giành được giải Bài hát vàng của năm (1986).
So với lĩnh vực âm nhạc, sự nghiệp điện ảnh của Trương Quốc Vinh khởi sắc có phần muộn màng hơn. Trong Encore (喝采, 1980) và Thất nghiệp sinh (失業生, 1981), Trương Quốc Vinh đảm nhận hai vai phụ. Tuy nhiên, tài năng diễn xuất của anh lại nhanh chóng được công nhận với Đề cử Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất tại Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông (HKFA) cho vai diễn trong Thất nghiệp sinh. Sau đề cử này, Trương Quốc Vinh được mời vào vai nam chính trong Teenage Dreamers (1982), và kể từ đó, hầu như anh luôn đảm nhận vai chính trong những phim mình tham gia. Trong những năm 1980 đến 1986, hầu hết những bộ phim của Trương Quốc Vinh đều là phim dành cho giới trẻ. Trong số này, Liệt hỏa thanh xuân (No Mad, 1982) được các nhà phê bình và giới truyền thông Hồng Kông nhận định như “Một làn sóng mới” của điện ảnh. Vai Louis trong Liệt hỏa thanh xuân cũng đem lại cho Trương Quốc Vinh một đề cử giải Nam diễn viên xuất sắc nhất tại Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông. Sau này, Trương Quốc Vinh phát biểu rằng, Liệt hỏa thanh xuân chính là phim điện ảnh “thật sự” đầu tiên của mình. Trong thời gian này, Trương Quốc Vinh còn tham gia vào một số phim truyền hình của Television Broadcasts (TVB), như Nồng bổn đa tình (儂本多情) và The Fallen Family (武林世家).
Vinh quang và Giã biệt[sửa | sửa mã nguồn]
Năm 1986, Trương Quốc Vinh gia nhập Cinepoly Records Hong Kong và cho phát hành album Summer Romance vào năm 1987. Album này đã giành được danh hiệu CD bán chạy nhất trong năm và Album bán chạy nhất trong năm. Thành công của Summer Romance càng đưa sự nghiệp âm nhạc của Trương Quốc Vinh lên đỉnh cao và giúp anh trở thành một trong hai thần tượng của làng Cantopop lúc bấy giờ cùng Đàm Vịnh Lân. Năm 1988, Im lặng là vàng (沉默是金) ra đời, đây là một trong những bài hát nổi tiếng nhất của Trương Quốc Vinh. Hot Summer (1988), Virgin Snow (1988), Leslie ’89 (Mặt bên, IFPI – Album Bán chạy nhất trong năm, 1989), Final Encounter (1989), và Salute (1990) là những album nổi tiếng khác mà Trương Quốc Vinh cộng tác với Cinepoly Records. Salute là album đầu tiên được làm với mục đích phi lợi nhuận bởi một ngôi sao lớn của làng nhạc Hồng Kông. Trong album này, Trương Quốc Vinh chỉ hát lại những bài hát của các ca sĩ khác. Với anh, Salute chính là cách bày tỏ lòng ngưỡng mộ của mình đối với âm nhạc. Toàn bộ số tiền thu được từ album này, Trương Quốc Vinh đã ủng hộ cho Học viện đào tạo Nghệ thuật biểu diễn Hồng Kông – sau này trở thành Quỹ học bổng Tưởng nhớ Trương Quốc Vinh khi anh mất[12].
Cùng với sự nổi tiếng của Trương Quốc Vinh và Đàm Vịnh Lân, fan của cả hai ca sĩ này cũng quay sang “đối địch” lẫn nhau, sự tranh chấp “vị thế” của các fan ra sức ép nặng nề cho cả Trương Quốc Vinh và Đàm Vịnh Lân. Năm 1988, Đàm Vịnh Lân công khai rút khỏi toàn bộ các giải thưởng của làng nhạc pop. Và năm 1989, Trương Quốc Vinh tuyên bố ý định giã từ sự nghiệp âm nhạc của mình. Anh trở thành ca sĩ đầu tiên có một sêri Nhạc hội từ giã sự nghiệp tại Đại hí viện Hồng Kông, với tổng cộng 33 đêm diễn (Trương Quốc Vinh lúc này vừa được 33 tuổi). Năm 1990, Trương Quốc Vinh rời khỏi Hồng Kông trong lúc sự nghiệp đang ở đỉnh cao và nhập cảnh British Columbia – Canada. Năm 1992, Trương Quốc Vinh trở thành công dân Canada nhưng sau đó không lâu, anh lại rời Canada để quay về Hồng Kông.
Trong những 1986 đến 1989, Trương Quốc Vinh tham gia một số phim được xem như kinh điển của điện ảnh Hồng Kông[13]. Anh hùng bản sắc (1986, đạo diễn Ngô Vũ Sâm) với sự tham gia của Châu Nhuận Phát, Trương Quốc Vinh, Địch Long đã trở thành bộ phim tiên phong cho thể loại “tam kiệt” của Hồng Kông trong thập niên 1980. Trong phim này, anh vào vai Tống Tử Kiệt, một cảnh sát trẻ ngay thẳng và đầy ý chí, ôm trong mình tình cảm cũng như sự oán giận với người anh trai – người mà cậu ta cho rằng đã gây ra cái chết cho cha họ. Vai diễn này giúp Trương Quốc Vinh được công chúng nhìn nhận như một diễn viên chuyên nghiệp.
Năm 1987, ngoài Anh hùng bản sắc II, Trương Quốc Vinh tham gia Yên chi khâu (đạo diễn Quan Cẩm Bằng) với Mai Diễm Phương, Thiến nữ u hồn (đạo diễn Trình Tiểu Đông) với Vương Tổ Hiền. Hai vai diễn cảnh sát viên Tống Tử Kiệt và chàng công tử si tình Trần Chấn Bang đem về cho anh hai Đề cử nam diễn viên xuất sắc nhất của Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông và Liên hoan phim Kim Mã. Thành công của Anh hùng bản sắc và Thiến nữ u hồn còn giúp Trương Quốc Vinh được khán giả Nhật Bản và Hàn Quốc yêu mến nhiệt liệt, cũng như khởi đầu cho sự nổi tiếng của anh tại hai đất nước này. Cho đến nay, chưa có nam nghệ sĩ Hồng Kông hay Trung Quốc nào có thể đạt được ảnh hưởng tại Nhật Bản và Hàn Quốc như Trương Quốc Vinh. Nếu tính theo số lượng, người hâm mộ của anh tại Nhật Bản còn nhiều hơn ở Hồng Kông. Anh cũng là người mở đường cho âm nhạc Trung Hoa tiến vào thị trường Hàn Quốc, album đầu tiên phát hành tại Hàn Quốc của anh bán được 300.000 bản, trong khi các album của Tứ đại thiên vương sau đó cũng chỉ bán được 90.000 bản. Sự nổi tiếng của Trương Quốc Vinh ở thị trường Hàn Quốc là vô cùng mạnh mẽ. Những ngôi sao Hàn Quốc ngày nay rất nhiều người chịu ảnh hưởng từ Trương Quốc Vinh.
Đỉnh cao điện ảnh[sửa | sửa mã nguồn]
Từ giữa thập niên 1980 đến giữa thập niên 1990 là thời kì vàng son của điện ảnh Hồng Kông, đồng thời cũng là giai đoạn Trương Quốc Vinh đạt đến đỉnh cao sự nghiệp trong lĩnh vực điện ảnh.
Năm 1991, bộ phim nghệ thuật kinh điển của Hồng Kông A Phi chính truyện của đạo diễn Vương Gia Vệ ra đời và thành công rực rỡ, vai Yuddy trong bộ phim này đã mang đến cho Trương Quốc Vinh giải Nam diễn viên xuất sắc nhất tại Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông 1991. Mặc dù đã từng phát biểu là rất “khó chịu” với cách làm việc của đạo diễn Vương Gia Vệ (Vương Gia Vệ làm phim thường không có kịch bản, ông hay bắt đầu mọi thứ bằng một ý tưởng, mời diễn viên, rồi vừa quay vừa nghĩ kịch bản, điều này có thể làm hao tổn rất nhiều thời gian và công sức của diễn viên, nhất là trong môi trường làm việc đầy rẫy khó khăn như Xuân quang xạ tiết), nhưng khán giả màn ảnh rộng đều công nhận đạo diễn này có thể đem đến cho điện ảnh một “Best of Leslie”, điều này có thể chứng minh qua những bộ phim khác mà Trương Quốc Vinh hợp tác với Vương Gia Vệ.
Đông Tà Tây Độc (1994) là một bộ phim võ hiệp nhưng lại chú trọng khai thác tình cảm và mối quan hệ giữa các nhân vật với nhau, vai kiếm khách kiêm sát thủ Âu Dương Phong trong bộ phim này đã đem về cho Trương Quốc Vinh giải Nam diễn viên xuất sắc nhất tại Hong Kong Film Critics Society Awards. Xuân quang xạ tiết (1997) với diễn xuất xuất sắc của Trương Quốc Vinh (vai Hà Bảo Vinh) và Lương Triều Vĩ (vai Lê Diệu Huy) vẫn luôn là bộ phim gây xúc động cho khán giả trong rất nhiều năm.
Nhưng bộ phim được nhớ đến nhiều nhất của Trương Quốc Vinh lại là sự hợp tác giữa anh và đạo diễn Trần Khải Ca Bá vương biệt cơ (1993). Bá vương biệt cơ là bộ phim mà Trần Khải Ca tâm đắc nhất, việc tuyển chọn diễn viên cũng là một vấn đề khó khăn. Và lần đầu tiên, một diễn viên Hồng Kông được mời vào một phim của Trung Quốc đại lục. Trương Quốc Vinh đã đến Bắc Kinh nửa năm để học kinh kịch và tham gia bộ phim này. Bá vương biệt cơ đạt giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes và giành hai đề cử Phim nước ngoài hay nhất, Quay phim xuất sắc nhất tại giải Oscar. Trình Điệp Y, vai diễn xuất thần trong phim này đã đưa Trương Quốc Vinh lên hàng ngôi sao quốc tế, đây cũng là vai diễn được nhớ đến nhiều nhất của anh. Năm 2004, Bảo tàng Madame Tussauds Hồng Kông đã thực hiện bức tượng sáp Trương Quốc Vinh nhằm tưởng nhớ anh, bức tượng này được làm dựa theo hình mẫu của nhân vật Trình Điệp Y.
Năm 1996, Trương Quốc Vinh còn cùng Củng Lợi tham gia Phong Nguyệt, một bộ phim khác của Trần Khải Ca. Phim này cũng giành được đề cử giải Cành cọ vàng của Liên hoan phim Cannes.
Với những vai diễn trên, Trương Quốc Vinh đã được công nhận như một tài năng hiếm có của dòng phim nghệ thuật.
Năm 1998, Hồng sắc luyến nhân (紅色戀人) với vai Jin của Trương Quốc Vinh – một diễn viên Hồng Kông, bất chấp tình hình phức tạp của Hồng Kông lúc bấy giờ, vẫn đạt được thành công tại Trung Quốc đại lục. Vào năm 2004, bộ phim này còn giành được giải Phim nước ngoài được yêu thích nhất tại Liên hoan phim Bình Nhưỡng.
Những bộ phim quan trọng khác của Trương Quốc Vinh còn có Bạch Phát Ma Nữ truyện (với Lâm Thanh Hà, 1993), Kim chi ngọc diệp, Dạ bán ca thanh (1995) và Sắc tình nam nữ (với Thư Kỳ, 1996). Ba vai diễn trong ba phim này đã đem lại cho anh sáu đề cử Nam diễn viên xuất sắc nhất của Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông cũng như Liên hoan phim Kim Mã. Bộ phim Bạch phát ma nữ truyện được coi là một trong những tác phẩm kiếm hiệp tình cảm hay nhất, còn Sắc tình nam nữ, 1 bộ phim soft porn của đạo diễn Nhĩ Đông Thăng được đề cử phim xuất sắc tại LHP Berlin 1996.
Là một diễn viên đa tài, Trương Quốc Vinh còn thành công ở thể loại phim hài hành động với Tung hoành tứ hải (với Châu Nhuận Phát, 1991), Gia hữu hỉ sự (1992), Đông thành Tây tựu, Đại phú chi gia, và Kim ngọc mãn đường. Trương Quốc Vinh luôn là một tên tuổi có thể đảm bảo doanh thu phòng vé cho các bộ phim mình tham gia. Từ năm 1990 đến 1998, 13 trong tổng số 39 phim của anh đã lọt vào Top 10 phim có doanh thu phòng vé cao nhất[14].
Trong những năm 1989 đến 1995, dù đã giã từ sân khấu ca nhạc, nhưng Trương Quốc Vinh vẫn tiếp tục công việc viết ca khúc. Anh đã sáng tác hơn mười bài hát trong thời gian này, và giành được nhiều đề cử cũng như giải thưởng nhạc phim tại các liên hoan.
Trở lại âm nhạc[sửa | sửa mã nguồn]
Năm 1995, Trương Quốc Vinh cộng tác với Rock Records, và bắt đầu quay trở lại làng nhạc Hồng Kông với vai trò một ca sĩ chính thức. Cùng năm này, anh cho ra đời Beloved, album đầu tiên kể từ khi giã biệt người nghe. Beloved ngay lập tức đạt được thành công rực rỡ về doanh thu với danh hiệu IFPI Best Selling Album. Năm 1996, Trương Quốc Vinh phát hành album gần như được xem là đậm chất nghệ thuật nhất của mình: Red. Red là album hòa trộn nhiều thể loại nhạc khác nhau như jazz, R&B, trip hop… tạo nên một phong cách âm nhạc khác lạ rất đặc biệt, hoàn toàn khác với phong cách cũ của Trương Quốc Vinh trong thập niên 1980. Album này cũng chứa bài hát cùng tên Red, một ca khúc quan trọng trong sự nghiệp của anh. Năm 1998, Printemps, album tiếng Quan Thoại đầu tiên Trương Quốc Vinh được phát hành.
Trong năm 1997, Trương Quốc Vinh tổ chức nhạc hội đầu tiên từ khi quay trở lại: World Tour 97, từ 12 tháng 12 năm 1996 đến 17 tháng 6 năm 1997. Cũng giống như phong cách nhạc mới, anh giới thiệu cho khán giả của mình một hình ảnh hoàn toàn mới. Phần trình diễn được yêu thích nhất của nhạc hội này chính là ca khúc Red, trong đó có đoạn Trương Quốc Vinh khiêu vũ cùng với một vũ công nam trên đôi giày cao gót màu đỏ. World Tour 97 bao gốm tất cả 55 buổi trình diễn: 24 buổi tại Hồng Kông và 31 buổi tại các thành phố khác trên thế giới, trong đó có 6 buổi diễn ra tại Nhật và Trung Quốc đại lục.
Năm 1999, Trương Quốc Vinh thành lập công ty âm nhạc Apex Music, và ký một hợp đồng với Universal Music Group (UMG). Những album quan trọng được phát hành bởi UMG bao gồm Cùng em đếm ngược (陪你倒數, 1999), Đại nhiệt (大熱; 2000), và Untitled (2000). Những bài hit của anh trong thời gian này gồm có Chuồn chuồn ngang qua, Đại nhiệt, Tay trái tay phải. Ca khúc đạt giải “Bài hát yêu thích trọn đời tôi” của CASH – Tôi (我) được xem là một bài hát tự thuật của chính anh.
Năm 2000, Trương Quốc Vinh được trao tặng giải thưởng Golden Needle, giải thành tựu trọn đời của Cantopop. Ca khúc Monica của anh cũng được tôn là Ca khúc của thế kỷ bởi sức ảnh hưởng của nó. Cùng năm này, Trương Quốc Vinh được mời làm Đại sứ âm nhạc đầu tiên của Hiệp hội sáng tác Hồng Kông (CASH), và thực hiện bài hát chủ đề cho CASH Golden Sail Award.
Những năm cuối[sửa | sửa mã nguồn]
Năm 2000, Trương Quốc Vinh tổ chức Passion Tour, series nhạc hội cuối cùng của mình. Passion Tour bao gồm 43 buổi trình diễn, bắt đầu từ 31 tháng 7 năm 2000 đến 16 tháng 4 năm 2001. Đây chính là nhạc hội đặc biệt và xuất sắc nhất của Trương Quốc Vinh. Với Passion Tour, Trương Quốc Vinh lần đầu tiên làm công việc chỉ đạo nghệ thuật, và anh cũng rất thành công như với vai trò ca sĩ. Trương Quốc Vinh mời Jean-Paul Gaultier thiết kế tất cả tám bộ trang phục trong đợt trình diễn này. Tuy nhiên, những bộ trang phục, cùng với mái tóc dài của anh, lúc đầu đã bị giới truyền thông Hồng Kông công kích gay gắt. Về sau Trương Quốc Vinh công bố rằng Jean-Paul Gaultier đã vô cùng tức giận với những lời công kích không xác đáng đó và nói với anh trong một email, rằng ông sẽ không thiết kế trang phục cho bất kỳ nghệ sĩ châu Á nào nữa. Mặc cho những công kích ban đầu của giới báo chí Hồng Kông, Passion Tour vẫn gặt hái thành công rực rỡ và được chào đón nhiệt liệt ở khắp nơi, trong đó có Nhật Bản, nơi Trương Quốc Vinh tổ chức tới 10 buổi trình diễn. Cộng với World Tour 97, anh đã lập kỷ lục về việc một nghệ sĩ nước ngoài có 16 nhạc hội tại Nhật. Không chỉ dừng lại ở đó, tại Trung Quốc, Trương Quốc Vinh còn giữ kỷ lục về việc có 2 đêm diễn tại sân vận động Thượng Hải với sức chứa 80.000 người. Passion Tour cũng đem về cho Trương Quốc Vinh giải Thành tựu quan trọng của Mingpao Weekly và Thành tựu âm nhạc của Chinese Pop Music Media Association.
Trong những năm cuối của thập niên 1990, Trương Quốc Vinh đánh dấu một bước ngoặt trong diễn xuất với những vai diễn gai góc. Trong Lưu tinh ngữ (流星語, 1999), anh đóng vai một người cha nghèo nhận nuôi một đứa trẻ. Trong Thương Vương (槍王, 2000), là vai một sát thủ bất ổn tâm lý và tìm thấy niềm thoả mãn trong sự giết chóc. Sự nhập vai thuyết phục của anh thậm chí đã khiến người Trung Quốc có một cụm từ “biến thái theo kiểu Trương Quốc Vinh”. Và năm 2002, Dị độ không gian (異度空間, 2002) với vai một bác sĩ tâm thần khám phá ra vấn đề tâm lý của mình trong quá trình chữa trị cho bệnh nhân. Dị độ không gian là bộ phim cuối cùng của Trương Quốc Vinh, khán giả tin rằng anh đã đưa cảm xúc thật của mình vào nhân vật trong phim, và bộ phim được đánh giá thành công cũng là nhờ vào diễn xuất của các diễn viên chính. Với những bộ phim này, Trương Quốc Vinh đã nhận được bốn đề cử Nam diễn viên xuất sắc nhất của Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông và Liên hoan phim Kim Mã.
Trong thời gian này, Trương Quốc Vinh cũng bắt đầu thử sức trong vai trò đạo diễn, bộ phim tuyên truyền chống hút thuốc lá dài 45 phút Yên phi yên diệt (煙飛煙滅, 2000) là tác phẩm đầu tiên của anh, với sự tham gia của Mai Diễm Phương, Mạc Văn Uý, Vương Lực Hoành. Năm 2002, Trương Quốc Vinh bắt đầu thực hiện Stealing Heart, nhưng bộ phim này đã không thể hoàn thành bởi cái chết đột ngột của anh.
Tính hướng và chuyện tình cảm[sửa | sửa mã nguồn]
Trong chuyện tình cảm, Trương Quốc Vinh đã từng công khai trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí TIME Asia mình là người song tính. Anh từng có hai người bạn gái là Mao Thuấn Quân và Nghê Thi Bội, và đã có ý định kết hôn với Mao Thuấn Quân khi còn trẻ, nhưng sau đó chuyện giữa hai người lại không thành.
Một số sự việc xảy ra sau này, cộng thêm nỗi ám ảnh về hoàn cảnh không êm ấm giữa cha mẹ anh, được xem là nguyên nhân khiến Trương Quốc Vinh không có thêm một phụ nữ nào khác trong đời mình. Thay vào đó, những người quan tâm đến chuyện tình cảm của anh lại được biết nhiều về Đường Hạc Đức (唐鶴德, phiên âm: Tánghèdé), người đàn ông đã ở bên Trương Quốc Vinh hơn 20 năm, được giới báo chí Hồng Kông gọi thân mật là “Tong Tong” (Đường Đường).
Đường Hạc Đức sinh năm 1958, vốn là con trai đỡ đầu của mẹ Trương Quốc Vinh. Cả hai quen biết nhau từ nhỏ. Năm 13 tuổi, Trương Quốc Vinh đã được gởi sang Anh du học, đến năm 18 tuổi, anh trở về và gia nhập làng giải trí Hồng Kông. Sau hai cuộc tình ngắn ngủi với Mao Thuấn Quân và Nghê Thi Bội, năm 1982, Trương Quốc Vinh gặp lại Đường Hạc Đức trong một buổi tiệc tại khách sạn Intercontinental (Hồng Kông). Mối quan hệ của họ bắt đầu từ năm 1983. Chuyện tình này về hình thức vẫn chưa được công khai cho tới khi Trương Quốc Vinh mất.
Là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất của Hồng Kông, Trương Quốc Vinh và chuyện tình cảm của anh được báo giới quan tâm không ít. Bắt đầu từ năm 1985, đã có lời đồn đại về mối quan hệ giữa anh và Đường Hạc Đức, và theo thời gian, số lượng bài báo với tít lớn kiểu “Ca ca và anh Đường lần đầu tiên tay trong tay nơi công cộng” ngày một gia tăng.
Chỉ duy nhất trong World Tour 1997, Trương Quốc Vinh mới hé lộ một chút về đời sống riêng tư cho khán giả của mình thấy. Vào buổi tối ngày 4 tháng 1 năm 1997, trong phần trình diễn thuộc World Tour 1997, Trương Quốc Vinh giới thiệu mẹ của anh đang ngồi ở hàng ghế khán giả và xin tặng bài hát kế tiếp cho bà. Liền sau đó anh giới thiệu Đường Hạc Đức, người ngồi cùng hàng ghế với mẹ mình, như “người bạn thân thiết nhất”, “người tôi dành nhiều tình cảm nhiều nhất sau mẹ”, và là người thứ hai anh muốn gửi đến bài hát . Ánh trăng nói hộ lòng anh, Trương Quốc Vinh đã trình diễn ca khúc này một cách tha thiết với những tiếng tán thưởng nhiệt liệt của khán giả. Một cách không chính thức, giới truyền thông và công chúng đã công nhận mối quan hệ giữa Trương Quốc Vinh và Đường Hạc Đức, họ bắt đầu thân mật gọi Đường Hạc Đức là “Đường Đường” (TongTong) – dựa theo biệt danh “Ca Ca” (GorGor) của Trương Quốc Vinh.
Năm 2001, trong một lần bị cánh phóng viên bám theo khi đang đi cùng Đường Hạc Đức, Trương Quốc Vinh mặc dù phát hiện ra bị theo dõi, nhưng thay vì giữ khoảng cách với Đường Đường, đã cố ý nắm lấy tay Đường Đường, đi thẳng không ngoái đầu lại. Sau này, tấm ảnh về khoảnh khắc đó được gọi là “cái nắm tay thế kỷ”, hay “cái nắm tay kiên định nhất”, “cái nắm tay cảm động nhất.”.
Khi Trương Quốc Vinh mất, rất nhiều tin đồn về việc mối quan hệ của anh và Đường Hạc Đức đang rạn nứt được tung ra. Tuy nhiên, bạn bè và người thân của Trương Quốc Vinh đã đứng ra bênh vực cho Đường Hạc Đức, tên anh cũng đứng đầu danh sách người thân trong lễ tang của Trương Quốc Vinh với tựa “Most Beloved”. Theo di chúc của Trương Quốc Vinh, Đường Hạc Đức cũng là người thừa hưởng phần lớn tài sản do anh để lại. Dù có nhiều lời đồn thổi, mối quan hệ trên 20 năm giữa họ (thêm vào đó, nó bắt đầu từ khi cả hai vẫn còn khó khăn) vẫn luôn được nhiều người ngưỡng mộ.
Qua đời[sửa | sửa mã nguồn]
Trương Quốc Vinh đã tự sát vào ngày 1 tháng 4 năm 2003 khi nhảy xuống từ tầng 24 của khách sạn Mandarin, thuộc quận trung tâm của Hồng Kông. Di thư để lại nói rằng nguyên nhân cái chết là do trầm cảm. Trương Quốc Vinh mất khi vừa 46 tuổi.
“ | Depression! 多謝各位朋友,多謝麥列菲菲教授,這一年很辛苦,不能再忍受, 多謝唐先生,多謝家人,多謝肥姐. 我一生沒做壞事 為何這樣?
(Tuyệt vọng! Cảm ơn tất cả bạn bè tôi. Cảm ơn giáo sư Felice Lieh-Mak (Bác sĩ tâm lý cuối cùng của Trương Quốc Vinh). Năm nay quá khó khăn. Tôi không thể chịu đựng thêm nữa. Cảm ơn anh Đường. Cảm ơn gia đình tôi. Cảm ơn chị Fat (quản lý Trần Thục Phân). Cả cuộc đời tôi chưa làm gì sai. Tại sao mọi thứ lại trở nên thế này?) |
” |
— lá thư tuyệt mệnh của Trương Quốc Vinh |
Là một trong những nghệ sĩ được yêu thích nhất châu Á, sự ra đi của Trương Quốc Vinh đã gây một cú sốc lớn cho làng giải trí châu Á và cộng đồng người Hoa trên toàn thế giới[15][16][17][18][19]. Những tin đồn về nguyên nhân cái chết lan ra với tốc độ chóng mặt khiến cho người thân của Trương Quốc Vinh phải nhanh chóng để anh yên nghỉ và không đưa ra bất cứ bình luận gì. Sau ngày Trương Quốc Vinh mất, người yêu lâu năm của anh, Daffy Đường Hạc Đức cho biết Trương Quốc Vinh đang bị suy sụp tinh thần và phải tìm đến các bác sĩ tâm lý gần một năm nay. Thậm chí Trương Quốc Vinh đã có ý định tự sát vào năm 2002. Về sau, người cháu gái của Trương Quốc Vinh cũng lên tiếng rằng, anh đã mắc phải bệnh nặng và trở nên suy sụp từ trước năm 2003.
Mặc cho những cảnh báo về dịch SARS ở Hồng Kông, hàng chục nghìn người – bao gồm giới nghệ sĩ và các fan – từ khắp nơi trên thế giới, đã đến Hồng Kông để dự lễ tưởng niệm Trương Quốc Vinh vào 7 tháng 4 năm 2003. Lễ tang của anh diễn ra vào ngày 8 tháng 4 năm 2003. Trong hơn một tháng, tin về cái chết của Trương Quốc Vinh đã chiếm hết các mặt báo ở Hồng Kông, cũng như giọng hát của anh cứ vang mãi trong không trung suốt thời gian ấy. Album cuối cùng của Trương Quốc Vinh, Mọi thứ theo cơn gió (一切隨風), được phát hành ba tháng sau cái chết của anh.
Sự ra đi của Trương Quốc Vinh được coi như đánh dấu sự lụi tàn của một kỷ nguyên. Nhà xã hội học Ng Chun-Hung tuyên bố “một thế hệ chính thức khép lại”. Học giả âm nhạc Joanna Lee mô tả 26 năm sự nghiệp của Trương là “minh chứng cho sự thay da đổi thịt của Hong Kong”, là dấu mốc cho “những năm tháng vàng son của thành phố này”.[20] Nhiều người so sánh cái chết của anh đối với người châu Á cũng giống như cái chết của John Lennon đối với người phương Tây.
Không chỉ có vậy, Trương Quốc Vinh được coi như một người hùng đối với những người mắc bệnh trầm cảm, bởi trước đây ở châu Á trầm cảm gần như là một vấn đề mang tính tối kỵ không được nhắc đến. Nhờ có Trương Quốc Vinh mà cộng đồng mới dành sự quan tâm nghiêm túc hơn đến căn bệnh này.
Tuy Trương Quốc Vinh đã mất, nhưng những gì anh để lại trong tim người hâm mộ dường như không thể phai nhạt. Hằng nằm, cứ đến dịp sinh nhật và ngày mất của anh, Đại lộ Ngôi sao, Bảo tàng Madame Tussauds Hong Kong, khách sạn Mandarin luôn ngập đầy những đóa hoa dành cho anh, cả Hồng Kông vang lên giọng hát anh, và những người hâm mộ lại tụ họp cùng nhau – để tưởng nhớ về thần tượng của họ, Leslie Trương Quốc Vinh – ngay từ cái tên đã là một huyền thoại. Đây là điều mà chắc chắn chưa từng có một ngôi sao châu Á nào đạt được.
Các phim đã đóng[sửa | sửa mã nguồn]
Năm | Phim |
---|---|
1978 | Erotic Dreams of the Red Chamber (紅樓春上春) |
1978 | Dog eats Dog (狗咬狗骨) |
1980 | Encore (喝采) |
1981 | Thất nghiệp sinh (失業生) |
1982 | Energetic 21 (沖激21) |
1982 | Crazy Romance (求愛反斗星) |
1982 | Teenage Dreamers (檸檬可樂) |
1982 | Liệt hỏa thanh xuân (烈火青春) |
1983 | The Drummer (鼓手) |
1983 | Dương Quá và Tiểu Long Nữ (楊過與小龍女) |
1983 | First time (第一次) |
1984 | Merry Christmas (聖誕快樂) |
1984 | Double Decker (三文治) |
1984 | Duyên phận (緣份) |
1984 | Intellectual Trio (龍鳳智多星) |
1985 | For Your Heart Only (為你鐘情) |
1986 | Ngẫu nhiên (偶然) |
1986 | Anh hùng bản sắc (英雄本色) |
1987 | Yên chi khâu (胭脂扣) |
1987 | Anh hùng bản sắc II (英雄本色 II) |
1987 | Thiến nữ u hồn (倩女幽魂) |
1988 | Sát chi luyến (殺之戀) |
1989 | Aces Go Places V: The Terracotta Hit (新最佳拍檔) |
1990 | Thiến nữ u hồn II (倩女幽魂 II:人間道) |
1991 | Tung hoành tứ hải (縱橫四海) |
1991 | A Phi chính truyện (阿飛正傳) |
1991 | Hào môn dạ yến (豪門夜宴) |
1992 | Nam Kong Legend: Anti-Punk Squad (藍江傳之反飛組風云) |
1992 | Gia hữu hỉ sự (家有喜事) |
1993 | Bá Vương biệt Cơ (霸王別姬) |
1993 | Đông thành tây tựu (射雕英雄傳之東成西就) |
1993 | Hoa điền hỉ sự (花田喜事) |
1993 | Bạch Phát Ma Nữ truyện (白髮魔女傳) |
1993 | Bạch Phát Ma Nữ truyện II (白髮魔女傳 II) |
1994 | Đông Tà Tây Độc (東邪西毒) |
1994 | Long and Winding Road (錦繡前程) |
1994 | Over the Rainbow Under the Skirt (記得……香蕉成熟時 II:初戀情人) |
1994 | Kim chi ngọc diệp (金枝玉葉) |
1994 | Đại phú chi gia (大富之家) |
1995 | Dạ bán ca thanh (夜半歌聲) |
1995 | Kim ngọc mãn đường (金玉滿堂 hay 滿漢全席) |
1996 | Phong nguyệt (風月) |
1996 | Yang Yin: Gender in Chinese Cinema (phim tài liệu) |
1996 | Sắc tình nam nữ (色情男女) |
1996 | Tân bến Thượng Hải (新上海灘) |
1996 | Kim chi ngọc diệp II (金枝玉葉 II) |
1996 | Đại tam nguyên (大三元) |
1997 | Gia hữu hỉ sự 1997 (97家有喜事) |
1997 | Xuân quang xạ tiết (春光乍泄) |
1998 | Cửu tinh báo hỉ (九星報喜) |
1998 | Hồng sắc luyến nhân (紅色戀人) |
1998 | Anna Magdalena (安娜瑪德蓮娜) |
1999 | Tinh nguyệt đồng thoại (星月童話) |
1999 | Lưu tinh ngữ (流星語) |
2000 | Thương vương (槍王) |
2000 | Luyến chiến xung trùng (戀戰沖繩) |
2000 | Yên phi yên diệt (煙飛煙滅) |
2002 | Dị độ không gian (異度空間) |
2008 | Đồng Tà Tây Độc Redux (東邪西毒 Redux) |
Các album chính đã phát hành[sửa | sửa mã nguồn]
Năm | Tên album |
---|---|
1977 | I Like Dreamin’ (白版碟) |
1977 | Day Dreamin’ |
1979 | Tình nhân tiễn (情人箭) |
1983 | Gió tiếp tục thổi (風繼續吹) |
1983 | Sự si tình (一片痴) |
1984 | 張國榮 Leslie (Monica) |
1985 | Summer Best Collection – All Because of You (夏日精選 – 全賴有你) |
1985 | Chung tình vì em 為你鍾情 |
1986 | Ái hỏa (愛火) |
1986 | Stand Up |
1986 | Đương niên tình (張國榮 (當年情)) |
1987 | Ái mộ (愛慕) (國語) |
1987 | Summer Romance’87 |
1988 | Hot Summer |
1988 | Virgin Snow |
1988 | 拒絕再玩 |
1989 | Leslie ’89 |
1989 | Mặt bên (張國榮 (側面)) |
1989 | Salute |
1989 | Final Encounter |
1990 | Dreaming |
1995 | Sủng ái (寵愛) |
1996 | Hồng (紅) |
1996 | FROM NOW ON (Single) |
1998 | Printemps |
1998 | Những năm qua (這些年來) (EP) |
1999 | Cùng em đếm ngược (陪你倒數) |
2000 | Đại nhiệt (大熱) |
2000 | Untitled (EP) |
2001 | Forever |
2002 | Crossover |
2003 | Mọi thứ theo cơn gió (一切隨風) |
Giải thưởng – Bình chọn[sửa | sửa mã nguồn]
Giải thưởng điện ảnh[sửa | sửa mã nguồn]
- Hong Kong Film Awards: Kỉ niệm bạc – Nam diễn viên xuất sắc nhất (2006)
- NHK Japan: Top 10 diễn viên được yêu thích nhất châu Á (2006)
- Hong Kong Film Awards: Nam diễn viên Trung Quốc được yêu thích nhất trong vòng 100 năm (2005)
- Hong Kong Film Awards: Giải Vinh quang Vĩnh hằng cho Nghệ thuật diễn xuất (2004)
- Nikkei Entertainment Japan: Top 10 nam diễn viên xuất sắc nhất châu Á (2004)
- Ming Pao Weekly Performing Arts Awards: Nam diễn viên nổi bật nhất với Dị độ không gian (2002)
- Taiwan Golden Horse Awards, Udn, Phoenix TV, và World Journal: Top 10 ngôi sao điện ảnh Trung Hoa được yêu thích nhất thế giới (1996)
- Hong Kong Film Critics Society Awards: Nam diễn viên xuất sắc nhất với Đông Tà Tây Độc (1995)
- Hong Kong Film Awards: Nhạc phim xuất sắc nhất với Chase (1995)
- Japanese Film Critics Society: Nam diễn viên xuất sắc nhất với Bá vương biệt cơ (1994)
- Taiwan Golden Horse Awards: Nhạc phim xuất sắc nhất cho Bạch phát ma nữ (1993)
- Chinese Performance Art Association: Giải Thành tựu đặc biệt với Bá vương biệt cơ (1993)
- Hong Kong Film Awards: Nam diễn viên xuất sắc nhất với A Phi chính truyện (1991)
Đề cử[sửa | sửa mã nguồn]
- Hong Kong Film Awards: Nam diễn viên xuất sắc nhất với Dị độ không gian (2003)
- Taiwan Golden Horse Awards: Nam diễn viên xuất sắc nhất với Dị độ không gian (2002)
- Taiwan Golden Horse Awards: Nam diễn viên xuất sắc nhất với Thương vương (2001)
- Hong Kong Film Awards: Nam diễn viên xuất sắc nhất với Xuân quang xạ tiết (1998)
- Taiwan Golden Horse Awards: Nam diễn viên xuất sắc nhất với Xuân quang xạ tiết (1997)
- Hong Kong Film Awards: Nam diễn viên xuất sắc nhất với Sắc tình nam nữ (1997)
- Hong Kong Film Awards: Nhạc phim xuất sắc nhất cho A Man of Intention (1997)
- Taiwan Golden Horse Awards: Nam diễn viên xuất sắc nhất với Phong nguyệt (1996)
- Taiwan Golden Horse Awards: Nhạc phim xuất sắc nhất cho Take it for Granted (1996)
- Taiwan Golden Horse Awards: Nhạc phim xuất sắc nhất cho A Man of Intention (1996)
- Hong Kong Film Awards: Nhạc phim xuất sắc nhất cho The Phantom Singer (1996)
- Taiwan Golden Horse Awards: Nhạc phim xuất sắc nhất cho The Phantom Singer (1995)
- Hong Kong Film Awards: Nam diễn viên xuất sắc nhất với Kim chi ngọc diệp (1995)
- Hong Kong Film Awards: Nhạc phim xuất sắc nhất cho Bạch phát ma nữ (1994)
- Asia Pacific Film Festival: Nam diễn viên xuất sắc nhất với A Phi chính truyện (1991)
- Hong Kong Film Awards: Nam diễn viên xuất sắc nhất với Yên chi khâu (1989)
- Taiwan Golden Horse Awards: Nam diễn viên xuất sắc nhất với Yên chi khâu (1989)
- Hong Kong Film Awards: Nhạc phim xuất sắc nhất cho Thiến nữ u hồn (1988)
- Hong Kong Film Awards: Nam diễn viên xuất sắc nhất cho Anh hùng bản sắc II (1988)
- Hong Kong Film Awards: Nam diễn viên xuất sắc nhất với Liệt hỏa thanh xuân (1983)
- Hong Kong Film Awards: Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất với Thất nghiệp sinh (1982)
Giải thưởng âm nhạc[sửa | sửa mã nguồn]
- IFPI: Album bán chạy nhất trong năm The Most Popular (2009)
- Chinese Pop Music Media Awards: Giải Thành tựu Trọn đời (2003)
- Chinese Pop Music Media Awards: Top 10 bài hát xuất sắc nhất với Gần như vậy xa đến thế (2003)
- CASH: Giải Bài hát yêu thích trọn đời tôi với Tôi (2003)
- CASH Golden Sail Music Awards: Tác phẩm Hòa trộn nhất với Gần như vậy xa đến thế (2003)
- RTHK Top Ten Chinese Gold Songs Awards: Kỷ niệm Bạc – Giải thưởng Ưu tú (2002)
- Chinese Pop Music Media Awards: Nam ca sĩ xuất sắc nhất (2002)
- Chinese Pop Music Media Awards: Nhạc hội xuất sắc nhất với Passion Tour (2001)
- Chinese Pop Music Media Awards: Top 10 bài hát tiếng Hoa với Chuồn chuồn ngang qua (2001)
- “Sprite My Choice” China Original Music Pop Chart Awards: Giải Ca khúc vàng với Fever (2001)
- “Sprite My Choice” China Original Music Pop Chart Awards: Giải Thành tựu nổi bật của Thiên niên kỷ (2001)
- The Big Four Joint Music Excellence Awards: Album xuất sắc nhất với Untitled (2000)
- TVB Jade Solid Gold Best Ten Awards: Giải Thành tựu Âm nhạc (2000)
- RTHK Top Ten Chinese Gold Songs Awards: Top 10 bài hát vàng với Đại nhiệt (2000)
- Ming Pao Weekly: Giải Thành tựu quan trọng với Passion Tour (2000)
- Ming Pao Weekly: Nam ca sĩ xuất sắc nhất với Chuồn chuồn ngang qua (2000)
- RTHK: Bài hát được yêu thích mọi thời đại của thế kỷ XX với Monica (1999)
- TVB Jade Solid Gold Best Ten Awards: Giải thưởng Danh dự (1999)
- RTHK Top Ten Chinese Gold Songs Awards: Giải thưởng Kim Đỉnh (1999)
- RTHK Top Ten Chinese Gold Songs Awards: Top 10 ca khúc vàng với Tay trái tay phải (1999)
- CRHK Ultimate Song Chart Awards: Top 10 album với Cùng em đếm ngược (1999)
- CRHK Ultimate Song Chart Awards: Ca khúc xuất sắc nhất với Tay trái tay phải (1999)
- Metro Radio Hit Music Awards: Ca khúc xuất sắc nhất với Tay trái tay phải (1999)
- Metro Radio Hit Music Awards: Top 10 ca khúc được yêu thích nhất với Tay trái tay phải (1999)
- IFPI: Album bán chạy nhất trong năm với Sủng ái (1995)
- CRHK Ultimate Song Chart Awards: Giải IFPI cho album Leslie (1989)
- CRHK Ultimate Song Chart Awards: Nam ca sĩ được yêu thích nhất (1989)
- TVB Jade Solid Gold Best Ten Awards: Nam ca sĩ được yêu thích nhất (1989)
- TVB Jade Solid Gold Best Ten Awards: 10 ca khúc xuất sắc nhất với Bắt đầu từ không (1989)
- CRHK Ultimate Song Chart Awards: Nam ca sĩ được yêu thích nhất (1988)
- TVB Jade Solid Gold Best Ten Awards: Nam ca sĩ được yêu thích nhất (1988)
- TVB Jade Solid Gold Best Ten Awards: 10 ca khúc xuất sắc nhất với Im lặng là vàng (1988)
- TVB Jade Solid Gold Best Ten Awards: 10 ca khúc xuất sắc nhất với Up Close (1988)
- RTHK Top Ten Chinese Gold Songs Awards: Giải thưởng IFPI (1988)
- RTHK Top Ten Chinese Gold Songs Awards: Top 10 ca khúc vàng tiếng Hoa với Không cần quá nhiều (1988)
- RTHK Top Ten Chinese Gold Songs Awards: Top 10 ca khúc vàng tiếng Hoa với Im lặng là vàng (1988)
- TVB Jade Solid Gold Best Ten Awards: Bài hát Vàng với Vô tâm thuỵ miên (1987)
- TVB Jade Solid Gold Best Ten Awards: Top 10 bài hát xuất sắc nhất với Vô tâm thuỵ miên (1987)
- RTHK Top Ten Chinese Gold Songs Awards: Album bán chạy nhất trong năm với Summer Romance (1987)
- RTHK Top Ten Chinese Gold Songs Awards: CD xuất sắc nhất với Summer Romance (1987)
- RTHK Top Ten Chinese Gold Songs Awards: Top 10 ca khúc vàng tiếng Hoa với Vô tâm thuỵ miên (1987)
- TVB Jade Solid Gold Best Ten Awards: Bài hát Vàng với Có ai đồng thanh (1986)
- TVB Jade Solid Gold Best Ten Awards: Top 10 bài hát xuất sắc nhất với Có ai đồng thanh (1986)
- TVB Jade Solid Gold Best Ten Awards: Top 10 bài hát xuất sắc nhất với Đương niên tình (1986)
- RTHK Top Ten Chinese Gold Songs Awards: Top 10 ca khúc vàng tiếng Hoa với Đương niên tình (1986)
- TVB Jade Solid Gold Best Ten Awards: Top 10 bài hát xuất sắc nhất với Ngọn gió tự do (1985)
- RTHK Top Ten Chinese Gold Songs Awards: Top 10 ca khúc vàng tiếng Hoa với Ngọn gió tự do (1985)
- TVB Jade Solid Gold Best Ten Awards: Top 10 bài hát được yêu thích nhất với Monica (1984)
- RTHK Top Ten Chinese Gold Songs Awards: Top 10 ca khúc vàng tiếng Hoa với Monica (1984)
- Overseas Chinese Daily News: Nghệ sĩ mới xuất sắc nhất (1977)
- ATV Asian Music Contest: Giải nhì với American Pie (1977)
Giải thưởng khác và các Bình chọn tiêu biểu[sửa | sửa mã nguồn]
- CNNGo: Top 5 biểu tượng âm nhạc toàn cầu (2010)
- CNNGo: Top 25 diễn viên châu Á xuất sắc nhất mọi thời (2010)
- CNNGo: Top 19 nam diễn viên đẹp nhất điện ảnh Hong Kong (Hạng #1) (2010)
- Sohu China Remembering My 1997: Nhân vật nổi bật nhất (2007)
- Sina China: Ngôi sao được tưởng nhớ nhất (2007)
- ELLE: Top 10 người đàn ông quyến rũ nhất Trung Quốc (2006)
- RTHK: Nam diễn viên được yêu thích nhất giai đoạn thập niên 80 – nay (2005)
- City of Smile Hong Kong: Top 10 nhân vật nổi tiếng có nụ cười đẹp nhất (Hạng #1) (2003)
- Sina China: Top 10 Biểu tượng Văn hóa của Thế kỷ XX (2003)
- RTHK: Top 10 nhân vật nổi tiếng hấp dẫn nhất của thiên niên kỉ (2001)
- CCTV-MTV Music Awards : Giải “Nghệ sĩ lớn nhất của châu Á” (2000)
- Standard Chartered Hong Kong: Giải “Tài Năng Bạch kim” (2000)
- CRHK: Top 10 nghệ sĩ có hình ảnh lành mạnh (1991)
- RTHK: Top 10 nhân vật nổi tiếng hấp dẫn nhất của thập niên 80 (1990)
- Korea Telecom: Top 10 nhân vật nổi tiếng được yêu thích nhất (1989)
- CRHK: Top 10 người đẹp nhất (Hạng #1) (1989)
- Radio Television Hong Kong: Top 10 nhân vật nổi tiếng hấp dẫn nhất (1987)
- Overseas Chinese Daily News: Top 10 nghệ sĩ được yêu thích nhất (1984)
Thông tin thêm[sửa | sửa mã nguồn]
- Trong âm nhạc, Trương Quốc Vinh được gọi là “Elvis của Hồng Kông” [6]. Có một sự trùng hợp là, năm Elvis Presley mất cũng là năm Trương Quốc Vinh bắt đầu sự nghiệp của mình (1977).
- Trương Quốc Vinh đứng thứ nhất trong cuộc bình chọn “Mười người đẹp nhất Hồng Kông” của Commerical Radio[21].
- Năm 1993 – 1994, Trương Quốc Vinh là người đàn ông duy nhất được bình chọn vào danh sách Bốn nhân vật đẹp nhất Hồng Kông (“Four Peerlessly Beautiful in Hong Kong” – “Tứ đại tuyệt sắc” của Hồng Kông), ba người còn lại là ba phụ nữ: Lâm Thanh Hà, Lý Gia Hân và Quan Chi Lâm. Đến năm 2000 Hồng Kông bình tuyển lại “Tứ đại tuyệt sắc”, Trương Quốc Vinh vẫn làm người đứng đầu, theo sau anh là ba người đẹp Lâm Thanh Hà, Chu Linh Linh và Lý Gia Hân [22].
- Năm 2010, Trương Quốc Vinh đứng đầu bảng danh sách “19 người đàn ông đẹp nhất của điện ảnh Hong Kong” do trang web CNNGo [23], trực thuộc CNN, thực hiện.
- Trương Quốc Vinh là ngôi sao châu Á đầu tiên đại diện cho hãng Pepsi.
- Ca sĩ đầu tiên có nhạc hội thứ 100 tại Đại hý viện Hồng Kông vào năm 1997.
- Được công nhận là nghệ sĩ Hồng Kông được yêu thích qua mọi thời đại ở Nhật Bản và Hàn Quốc.
- Năm 2004, kênh truyền hình NHK của Nhật Bản xếp Trương Quốc Vinh trong top 50 diễn viên điện ảnh nước ngoài được yêu thích nhất tại đất nước này. Được biết, bộ phim điện ảnh Bá Vương Biệt Cơ đã từng được trình chiếu tại các rạp chiếu ở các thành phố lớn của Nhật Bản trong suốt 7 tháng trời, trong khi những bộ phim khác thông thường chỉ được chiếu trong khoảng 4 – 5 tuần. Đây được coi là tác phẩm điện ảnh quan trọng nhất của châu Á ở Nhật Bản.
- Trương Quốc Vinh từng tạo nên một hiện tượng quảng cáo kỷ lục ở Hàn Quốc khi hãng chocolate To You sau khi tung ra đoạn quảng cáo có sự xuất hiện của anh đã ngay lập tức tăng 300 lần doanh số. Trường hợp chưa từng có này được đưa vào nhiều sách dạy và nghiên cứu về quảng cáo và Marketing tại Hàn Quốc.
- Diễn viên Hồng Kông đầu tiên được mời vào một bộ phim của Trung Quốc đại lục, Bá vương biệt cơ (1993). Và đây cũng là bộ phim Trung Quốc đầu tiên và cho đến nay vẫn là duy nhất giành được giải Cành Cọ Vàng. Vào năm 2005, bộ phim này cũng được bầu là Phim Trung Quốc được yêu thích nhất mọi thời đại.
- Câu thoại của nhân vật Húc Tử do Trương Quốc Vinh thủ diễn trong tác phẩm A Phi Chính Truyện: “Tôi từng nghe về một loài chim không chân. Loài chim ấy cứ bay mãi, bay mãi. Khi mỏi mệt, nó nương nhờ cơn gió. Nó chỉ đáp xuống một lần duy nhất trong đời, đó là khi nó chết.” được Hiệp Hội Điện ảnh Hong Kong chọn là câu thoại kinh điển nhất trong lịch sử điện ảnh Hoa ngữ.
- Trong 10 phim đứng đầu danh sách 100 phim Trung Quốc được yêu thích nhất do khán giả Hồng Kông bình chọn, có 5 phim của Trương Quốc Vinh, và trong top 5, có 4 phim anh là diễn viên chính (#1 – Bá vương biệt cơ, #2 – A Phi chính truyện, #3 – Anh hùng bản sắc, #5 – Xuân quang xạ tiết, #6 – Yên chi khâu)[24]
- Thành viên ban giám khảo tại Liên hoan phim quốc tế Tokyo năm 1993 và Liên hoan phim quốc tế Berlin năm 1998.
- Ca khúc “Monica” của Trương Quốc Vinh được tôn là “Ca khúc của thế kỷ” tại Hồng Kông.
- Năm 2006, cuộc bầu chọn album âm nhạc được yêu thích nhất tại Hong Kong được hãng đĩa Universal tổ chức với kết quả 2 album Summer Romance (1987) và Hot summer (1988) của Trương Quốc Vinh xếp ở 2 vị trí cao nhất. Thậm chí, số lượt bình chọn cho Trương Quốc Vinh bỏ xa những ngôi sao còn lại được đề cử trong danh sách.
- Năm 2009, Đài Phát Thanh Hong Kong (Radio Television Hong Kong), kênh phát thanh của chính phủ Hong Kong đã tổ chức một cuộc khảo sát về những lý do khiến Hong Kong trở thành điểm đến được yêu thích, và kết quả cho thấy lý do đứng đầu tiên chính là sức hút của Trương Quốc Vinh.
- Được đài CCTV-MTV tại Bắc Kinh, Trung Quốc gọi là “Asian Biggest Superstar”[25].
- Được bầu chọn vào danh sách “10 nghệ sĩ hấp dẫn nhất thiên niên kỷ” ở Hồng Kông.
- Được bình chọn vào top 5 “Biểu tượng âm nhạc toàn cầu” của CNN, gồm có: Michael Jackson, The Beatles, Leslie Cheung (Trương Quốc Vinh), Bob Marley và Elvis Presley [26]
- Lọt vào danh sách “25 diễn viên châu Á xuất sắc nhất mọi thời đại” do CNN bầu chọn.[27]
- Nằm trong danh sách “10 biểu tượng văn hoá Trung Hoa của thế kỷ XX” [28] bên cạnh những tên tuổi như Lỗ Tấn, Kim Dung, Mai Lan Phương,…
- Được bầu chọn là “Nam diễn viên Trung Quốc được yêu thích nhất trong vòng 100 năm”, trong cuộc bình chọn do Henderson Land Development Co. Ltd, Hong Kong Ferry Co. Ltd, HKFAA và UA Cinemas tổ chức nhân Kỷ niệm 100 năm nền điện ảnh Trung Quốc (2005)[29]
- Sau khi Trương Quốc Vinh mất, hội Red Mission và Leslie Legacy Association được thành lập với nhiều chi nhánh ở các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc,… Hai tổ chức này luôn có các hoạt động thường niên để tưởng nhớ Trương Quốc Vinh.
- Bức tượng sáp của Trương Quốc Vinh tại Bảo tàng Madame Tussauds Hong Kong được ra mắt vào ngày 31 tháng 3 năm 2004 – kỷ niệm một năm ngày mất của anh. Bức tượng này không được đặt ở phòng “Biểu tượng âm nhạc” lẫn “Sự quyến rũ của Hồng Kông”, mà là ở phòng “Các nhân vật lịch sử và Anh hùng dân tộc” (Trương Quốc Vinh là ca sĩ – diễn viên duy nhất có tượng đặt ở phòng này) [30]. Bức tượng sáp được làm theo hình mẫu của nhân vật Trình Điệp Y trong Bá Vương Biệt Cơ. Người kéo màn giới thiệu bức tượng là Đường Hạc Đức. Trong buổi trưng bày ra mắt Madame Tussauds Shanghai, bức tượng của Trương Quốc Vinh cũng nhận được nhiều sự quan tâm nhất so với gần 70 bức tượng còn lại.
- Trong một bài nghiên cứu về Vấn đề tự sát tại Hồng Kông, trường hợp của Trương Quốc Vinh được đề cập đến như một sự kiện có thể đã gây ảnh hưởng tiêu cực lên tâm lý công dân Hồng Kông. Theo thống kê, trong tháng 4 năm 2003, có 134 vụ tự sát tại Hồng Kông (dân số lúc bấy giờ là 6,9 triệu người), trong đó có 13 người đề cập thẳng tên Trương Quốc Vinh trong di thư của họ [31].
- Nhiều fan trên thế giới đã tưởng nhớ Trương Quốc Vinh bằng cách ủng hộ các băng ghế cho công viên ở nơi họ sinh sống. Như công viên Hibiya ở Tokyo, công viên Stanley ở Vancouver,… đều có các băng ghế có ghi lời nhắn từ các fan dành cho Trương Quốc Vinh.
- Có một số bài hát viết về Trương Quốc Vinh, và ca khúc được các fan của anh yêu mến nhất là “Ca Ca” – sáng tác và trình bày bởi Lum Hon Yeung [32].
Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]
-
^
“Leslie Cheung profile”. Bản gốc lưu trữ 18 Tháng mười một năm 2016. Truy cập 10 Tháng mười một năm 2016.
- ^ Lisa Oldham Stokes (2007). Historical Dictionary of Hong Kong Cinema. Scarecrow Press. tr. xxvii. ISBN 978-0-8108-5520-5.
- ^ “Sina Entertainment News” (bằng tiếng Trung). Xinhua News Agency. 3 tháng 4 năm 2008. Truy cập ngày 28 tháng 3 năm 2012.
- ^ “Sina Entertainment News”. Sina Corp. Truy cập ngày 28 tháng 3 năm 2012.
- ^ Stephen Kelly, “WHY DOES IT HAVE TO BE LIKE THIS?” Leslie Cheung, 1956-2003, 8 tháng 5 năm 2003
- ^ a ă â Leslie Cheung – Lagrer Than Life
- ^ “‘Farewell My Concubine’ most appreciated in HK”. Truy cập 10 tháng 2 năm 2015.
- ^ “Michael Jackson: Your number one music icon”. Truy cập 10 tháng 2 năm 2015.
- ^ a ă Time Asia – Phỏng vấn với Richard Corliss
- ^ Simon Broughton, Mark Ellingham, “World Music Volume 2: Latin and North America, Caribbean, India, Asia and Pacific”, P54., BBC Radio, ISBN 1-85828-636-0
- ^ Leslie Cheung, “Leslie Cheung Autobiography”, Commercial Radio Hong Kong, 1985
- ^ Leslie Cheung Memorial Scholarship
- ^ The Best 100 Chinese Motion Pictures
- ^ 1990-1999 Box Office Ranking for Chinese Movies in Hong Kong (“1990-99年历年华语片票房排名”)
- ^ Stephen Kelly, “”WHY DOES IT HAVE TO BE LIKE THIS?” Leslie Cheung, 1956-2003″, [1], ngày 8 tháng 5 năm 2003
- ^ “Leslie Cheung, Larger Than Life”
- ^ Jonathan Crow, “Leslie Cheung”, AOL All Movie Guide
- ^ “Leslie Cheung’s Suicide” Gothamist, [2] Lưu trữ 2005-08-29 tại Wayback Machine, April,3rd. 2003
- ^ “Life In Legacy – Week of ngày 5 tháng 4 năm 2003”
- ^ A queer culture and postcolonical Hong Kong
- ^ Leslie Cheung Biography
- ^ Hương Cảng Tuyệt Sắc [3], Leslie Cheung – Gió Tiếp Tục Thổi
- ^ 19 most beautiful men from Hong Kong cinema [4], CNNGo.com
-
^ ‘Farewell My Concubine’ most appreciated in HK
[5], China Daily - ^ Cheung Tops Asia’s CCTV-MTV Honors [6], AllBusiness.com, Inc.
- ^ Top 5 Global Music Icon [7], CNN.com
- ^ Asia’s 25 Greatest Actors of All Time [8], CNN.com
- ^ WHAT THEY ARE SAYING [9], China Daily
- ^ ‘Farewell My Concubine’ most appreciated in HK [10], China Daily
- ^ HK’s Madame Tussauds Unveils Wax Figure of Leslie Cheung
-
^ P. Yip, K. Fu, K. Yang, B. Ip, C. Chan, E. Chen, D. Lee, F. Law, K. Hawton, “The effects of a celebrity suicide on suicide rates in Hong Kong.” Journal of Affective Disorders, Volume 93, Issue 1-3, Pages 245-252.
[11] - ^ 哥哥 Gor Gor – Memorial Song 2003 [12], Youtube
Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]
![]() |
Wikimedia Commons có thêm hình ảnh và phương tiện truyền tải về Trương Quốc Vinh. |
- Xem Phim tài liệu “Leslie Cheung – Hong Kong Star” do kênh truyền hình Arte của Pháp thực hiện trên Youtube
- Trương Quốc Vinh trên IMDB
- Leslie Cheung Cyberwrold – Trang chủ của Red Mission
- Red Mission Japan
- Leslie Cheung Fan Club of China
- Leslie Legacy Association – Trang chủ của Leslie Legacy Association (LLA)
- Leslie Cheung Internet Fan Club
- Leslie’s Pillow – Một fansite của Trương Quốc Vinh với rất nhiều thông tin bằng tiếng Anh.
- Leslie Cheung Memorial – Trang web tưởng nhớ Trương Quốc Vinh, với những thông tin liên quan đến cái chết của anh.
- LeslieTong – Fansite của Trương Quốc Vinh và Đường Hạc Đức.
- For Leslie’s Lovers – Fansite cập nhật thông tin mới về mọi thứ liên quan đến Trương Quốc Vinh, chủ yếu cho các fan của anh ở Nhật.
- loveLESLIE – Fansite tiếng Việt của Trương Quốc Vinh.
- Leslie Cheung – Huyền Thoại Mãi Mãi – Blog tiếng Việt của fan Trương Quốc Vinh.
- Leslie Cheung – Gió Tiếp Tục Thổi – Blog tiếng Việt của fan Trương Quốc Vinh.
- Diễn viên Hồng Kông
- Diễn viên Trung Quốc
- Ca sĩ Hồng Kông
- Ca sĩ Cantopop
- Thần tượng Hồng Kông
- Người Khách Gia
- Người tự sát
- Sinh 1956
- Mất 2003
- Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông Vai nam chính
- Người Canada gốc Hoa
- Diễn viên song tính
- Người song tính nam
- Nhạc sĩ song tính
- Nhạc sĩ LGBT Hồng Kông
- Ca sĩ LGBT
- Nam diễn viên Canada thế kỷ 21
- Nam diễn viên điện ảnh Canada
- Nhà sản xuất phim Hồng Kông
- Diễn viên LGBT
- Nhà sản xuất LGBT
- Ca sĩ thế kỷ 21
- Nam diễn viên Vancouver
- Người họ Trương tại Trung Quốc
- Nam diễn viên Hồng Kông thế kỉ 20
- Nam diễn viên Hồng Kông thế kỉ 21
- Nam diễn viên điện ảnh Hồng Kông
- Người viết bài hát LGBT
- Nam giới tự sát
- Chủ tịch Trung Quốc Quốc dân Đảng
- Người họ Trương
Từ khóa: Trương Quốc Vinh, Trương Quốc Vinh, Trương Quốc Vinh
LADIGI – Công ty dịch vụ SEO Website giá rẻ, SEO từ khóa, SEO tổng thể cam kết lên Top Google uy tín chuyên nghiệp, an toàn, hiệu quả.
Nguồn: Wikipedia
100 lần tự tìm hiểu cũng không bằng 1 lần được tư vấn